Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Nghị định này quy định rõ không bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ 01/11/2020.
Trước đây, Tổng cục Thuế đã có nhiều công văn trả lời về thời điểm áp dụng hóa đơn điện tử, mới nhất là Công văn 2578/TCT-CS ngày 23/6/2020 nêu rõ:
“Để triển khai thực hiện Luật Quản lý thuế 2019, Bộ Tài chính dự thảo trình Chính phủ thay thế Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử. Khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử theo Luật Quản lý thuế 2019 thì thực hiện theo quy định tại Nghị định quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử”
Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Trong đó, bãi bỏ quy định về áp dụng hóa đơn điện tử từ ngày 01/11/2020 (từ 01/7/2022 mới bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử). Cụ thể, tại Điều 59 Nghị định này nêu rõ:
“1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Nghị định này trước ngày 01 tháng 7 năm 2022.
…
3. Bãi bỏ khoản 2 và khoản 4 Điều 35 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2020”
Theo đó, từ ngày 01/11/2020 sẽ bãi bỏ 02 quy định sau:
– Việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định Nghị định 119/2018/NĐ-CP thực hiện xong đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh chậm nhất là ngày 01/11/2020.
– Kể từ ngày 01/11/2020, Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành (02 nghị định này vẫn có hiệu lực đến 30/6/2022)
Bên cạnh đó, Điều 60 Nghị định 123/2020/NĐ-CP còn quy định doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế hoặc đã đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày 19/10/2020 thì được tiếp tục sử dụng đến hết 30/6/2022.
Có thể thấy để có thể triển khai và sử dụng hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử trong các doanh nghiệp đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng, quản lý và phát triển cơ sở dữ liệu; phải tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu thập, xử lý thông tin, quản lý cơ sở dữ liệu hóa đơn và bảo đảm duy trì, vận hành, bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin… Và đặc biệt là cần phải có kết nối giữa doanh nghiệp với cơ quan thuế; kế nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan giữa cơ quan thuế với nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác như công thương, tài nguyên và môi trường, công an, y tế…Như vậy có thể thấy, để thực hiện được toàn bộ các công việc trên thì chỉ mỗi nguồn tài chính để đầu tư thôi là chưa đủ mà còn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và các đơn vị cung cấp dịch vụ.
Việc lùi thời hạn bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, đầu tư hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập hóa đơn đáp ứng lập, tra cứu, lưu trữ dữ liệu và bảo đảm việc truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua, đến cơ quan thuế và không làm gián đoạn sản xuất, kinh doanh bình của các doanh nghiệp.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí.