T6, 12 / 2020 4:33 chiều | hanhviettri

Trong thực tế, hầu hết doanh nghiệp đều cần báo cáo tình hình tài chính của mình, nên việc cung cấp các thông tin này là công việc của kế toán tài chính… Bài viết này sẽ giới thiệu một số nội dung liên quan đến công tác tài chính trong doanh nghiệp, nhằm làm rõ các vấn đề liên quan đến công tác này.

Kế toán tài chính doanh nghiệp

Đặc điểm của kế toán tài chính doanh nghiệp

Theo Luật Kế toán năm 2015, kế toán tài chính là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính bằng báo cáo tài chính (BCTC) cho đối tượng có nhu cầu sử dụng thông tin của đơn vị kế toán. Nói cách khác, kế toán tài chính là việc thu thập, xử lý, kiểm tra phân tích những thông tin liên quan đến sự phát triển của doanh nghiệp (DN) thể hiện chủ yếu qua BCTC vào cuối mỗi năm tài chính.

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, DN với tư cách một chủ thể kinh tế thường có mối quan hệ kinh tế với các đối tượng khác nhau ngoài DN. Thông qua các BCTC, các đối tượng này luôn quan tâm đến tình hình tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh của DN như: tổng tài sản, khả năng tự tài trợ của DN, khả năng thanh toán và mức độ sinh lời của DN để quyết định các mối quan hệ kinh tế với DN. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thuế cũng quan tâm đến tình hình tài chính, tình hình hoạt động của DN để xác định nghĩa vụ của DN và việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Như vậy, mục đích của kế toán tài chính ngoài cung cấp thông tin cho chủ DN, nhà quản lý thì chủ yếu cung cấp thông tin phục vụ cho các đối tượng bên ngoài DN.

Về mặt lý thuyết, kế toán tài chính DN có một số đặc điểm nổi trội sau:

– Kế toán tài chính DN cung cấp thông tin chủ yếu cho các đối tượng bên ngoài DN, do đó để đảm bảo tính khách quan, thống nhất kế toán tài chính phải tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực và chế độ hiện hành về kế toán của từng quốc gia, kể cả các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế về kế toán được các quốc gia công nhận.

– Kế toán tài chính mang tính pháp lệnh, nghĩa là được tổ chức ở tất cả các đơn vị kế toán và hệ thống sổ ghi chép, trình bày và cung cấp thông tin của kế toán tài chính đều phải tuân thủ các quy định thống nhất nếu muốn được thừa nhận.

– Kế toán tài chính cung cấp là những thông tin thực hiện về những hoạt động đã phát sinh, đã xảy ra mang tính tổng hợp thể hiện dưới hình thái giá trị.

– Báo cáo của kế toán tài chính là các BCTC tổng quát về sản nghiệp, kết quả hoạt động cùa DN trong một thời kỳ báo cáo của kế toán tài chính được thực hiện theo định kỳ hàng năm. Thông thường, kế toán tài chính phải thực hiện các báo cáo theo tháng (Báo cáo thuế giá trị gia tăng, báo cáo thuế thu nhập cá nhân), theo quý (báo cáo thuế giá trị gia tăng, báo cáo thuế thu nhập cá nhân, báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn), theo năm (BCTC, quyết toán thuế thu nhập cá nhân, quyết toán thuế thu nhập DN, thuế môn bài).

Vai trò của kế toán tài chính trong doanh nghiệp

Theo Điều 4, Luật Kế toán, kế toán DN có nhiệm vụ: Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán theo đối tượng và nội dung công việc kế toán, theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán; Kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính, nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán… Trong nhiệm vụ chuyên môn, kế toán tài chính tại các DN còn phải thực hiện việc thông báo phát hành hoá đơn, giấy nộp tiền ngân sách nhà nước… Đồng thời, thực hiện các công việc chi tiết khác như tiền mặt, tiền gửi, các khoản công nợ phải thu và phải trả, nguyên vật liệu, hàng hoá, doanh thu, chi phí… Đồng thời, lập bảng biểu đối chiếu công nợ, bảng khấu hao, bảng tính giá thành sản xuất… nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đưa ra các quyết định định hướng, điều hành của nhà quản trị DN.

Về cơ bản, kế toán tài chính trong DN có những vai trò quan trọng như sau:

– Cung cấp tài liệu là cơ sở cho người quản lý ra các quyết định phù hợp, nhờ đó người quản lý có thể triển khai và thực hiện các hệ thống quản lý thông tin để thúc đẩy việc thực thi các chiến lược, kế hoạch và ra quyết định của ban quản trị.

– Giúp DN theo dõi thường xuyên tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

– Cung cấp kết quả tài chính rõ ràng, quản lý các chi phí hiệu quả, góp phần tiết giảm tối đa chi phí, từ đó giúp người quản lý điều hòa tình hình tài chính của DN.

– Là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh tụng khiếu tố, với tư cách là bằng chứng về hành vi thương mại.

Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí

Bài viết cùng chuyên mục