Một trong những nội dung quan trọng của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) là cam kết về sở hữu trí tuệ (SHTT). Các cam kết tập trung vào 3 nhóm: các vấn đề chung, các tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng đối tượng quyền SHTT cụ thể và các biện pháp thực thi quyền SHTT. Vậy để thực hiện những cam kết này, Việt Nam cần làm gì và điều này có ý nghĩa thế nào đối với các doanh nghiệp trong nước?
Một số cam kết quan trọng về SHTT
Chương 12 của EVFTA tập trung tất cả các cam kết về SHTT) trong Hiệp định này. Đây là Chương lớn của EVFTA, với nhiều cam kết tập trung vào 3 nhóm: 1) Các vấn đề chung, 2) Các tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng đối tượng quyền SHTT cụ thể, 3) Các biện pháp thực thi quyền SHTT.
Trong nhóm cam kết về các vấn đề chung, nội dung này trong EVFTA tương đối ngắn gọn, tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau: (i) Nguyên tắc phù hợp WTO (nhấn mạnh việc tiếp tục các cam kết về SHTT trong Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của WTO – Hiệp định TRIPS); (ii) Nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) (Việt Nam và EU cam kết dành cho công dân của nhau mức bảo hộ SHTT không kém hơn mức bảo hộ dành cho công dân của bất kỳ một nước thứ ba nào khác ngoài trừ các trường hợp ngoại lệ theo Điều 4, 5 TRIPS); (iii) Nguyên tắc cạn quyền (Việt Nam và EU được quyền tự do quy định về cạn quyền SHTT, miễn là phù hợp với TRIPS). Trên cơ bản thì các nguyên tắc này không tạo ra thay đổi gì lớn trong nghĩa vụ của Việt Nam về vấn đề này ngoài nguyên tắc về MFN.
Đối với nhóm các cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng đối tượng quyền SHTT, EVFTA có cam kết về các tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng loại trong số 8 đối tượng quyền SHTT (quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế mạch tích hợp, bí mật kinh doanh và giống cây trồng). Tuy nhiên, phần nhiều trong số các cam kết này cơ bản nhắc lại các nội dung tương ứng của TRIPS hoặc chỉ có bổ sung nhỏ.
Nhóm các cam kết về thực thi quyền SHTT. Thực thi quyền SHTT luôn là vấn đề khúc mắc trong thực tế thi hành pháp luật về SHTT, vì vậy cũng là chủ đề được phía EU chú trọng đàm phán trong EVFTA. Về cơ bản, EVFTA đưa ra các yêu cầu về thực thi SHTT theo hướng nghiêm khắc hơn, trao quyền cao hơn cho chủ thể thực thi (đặc biệt tại biên giới) và chủ sở hữu quyền, đồng thời nâng mức trách nhiệm, biện pháp trừng phạt đối với chủ thể có hành vi vi phạm các quyền SHTT.
Hành động của Việt Nam
Nhìn chung, đa số các cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA là phù hợp với pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, Hiệp định cũng đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn pháp luật Việt Nam, trong đó có thể kể đến như bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU với mức độ bảo hộ cao như mức độ mà pháp luật Việt Nam đang bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý đối với rượu vang và rượu mạnh; hoặc gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp trong vòng 2 năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực…
Do đó, Việt Nam đã và đang có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo thi hành đầy đủ và hiệu quả các cam kết này:
Một là, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan đã dự thảo để Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật SHTT nhằm thực thi một số cam kết bắt đầu có hiệu lực của Hiệp định CPTPP – một bước chuẩn bị đầu tiên để nghiêm túc thi hành các cam kết về SHTT trong EVFTA. Luật này đã được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019.
Hai là, đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật SHTT để thi hành các cam kết về SHTT trong Hiệp định CPTPP theo lộ trình cũng như bảo đảm thi hành các cam kết trong EVFTA mà pháp luật hiện hành chưa tương thích.
Ba là, các thủ tục cần thiết cho việc gia nhập Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp cũng đang được gấp rút hoàn tất.
Bốn là, ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030 vào ngày 22/8/2019, trong đó bao gồm nhiều giải pháp nhằm đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT vào năm 2030. Theo đó, hệ thống SHTT Việt Nam được phát triển đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, gia tăng đóng góp của tài sản trí tuệ vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền SHTT cũng như của xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Doanh nghiệp với EVFTA khi các cam kết về SHTT có hiệu lực
Hiệp định EVFTA được kỳ vọng là sẽ đáp ứng nhu cầu bảo hộ của chủ thể quyền SHTT. Việc thi hành các nghĩa vụ theo Hiệp định sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp Việt Nam có thể xác lập và bảo vệ thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo, từ sáng tạo đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì đến nhãn hiệu sản phẩm và dịch vụ một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Điều này sẽ có nhiều tác động tích cực đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cũng như thương mại của Việt Nam.
EVFTA mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường các nước EU. Tuy nhiên, để khai thác được thị trường rộng lớn này, các doanh nghiệp cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực SHTT cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Chỉ có như vậy, các doanh nghiệp mới có thể đứng vững khi bước chân ra biển lớn, tham gia cuộc chơi chung toàn cầu. Ngay tại thị trường trong nước, xu hướng về tăng cường bảo vệ quyền SHTT với những quy định về việc chống xâm phạm quyền SHTT nghiêm minh hơn có thể khiến doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát (ví dụ như kiểm soát tại biên giới), đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí.