Đăng ký tên thương mại của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Cùng tư vấn Blue tìm hiểu Bảo hộ tên thương mại
1. Khái niệm tên thương mại
Tên thương mại lần đầu tiên được đề cập đến như một đối tượng sở hữu trí tuệ trong Điều 2 của Công ước thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ký ngày 14/7/1967:
Sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền liên quan đến các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học; các cuộc biểu diễn của nghệ sĩ biểu diễn, các bản ghi âm và các chương trình phát sóng; các sáng chế trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo của con người; các khám phá khoa học; các kiểu dáng công nghiệp; các nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu dịch vụ và các tên thương mại; bảo hộ chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh…
Ngày nay, việc phân định này cũng rõ ràng hơn khi tên thương mại được sắp xếp nằm trong các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, một trong những quyền sở hữu trí tuệ, song song với quyền tác giả và quyền liên quan.
Tên thương mại chưa có một định nghĩa quốc tế
Mặc dù việc bảo hộ tên thương mại được chú trọng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới bởi ý nghĩa của tên thương mại là không thể phủ nhận, tuy nhiên khác với nhãn hiệu, tên thương mại chưa có một khái niệm pháp lý chung trong bất kỳ điều ước quốc tế đa phương nào. Văn bản pháp lý đa phương duy nhất đề cập đến việc bảo hộ tên thương mại là Công ước Paris, tuy nhiên ngoài quy định tại Điều 8: “Tên thương mại được bảo hộ ở tất cả các nước thành viên của Liên minh mà không bị bắt buộc phải nộp đơn hoặc đăng ký, bất kể tên thương mại đó có hay không là một phần của một nhãn hiệu hàng hoá.” thì không có bất cứ quy định cụ thể về thế nào là tên thương mại hay bảo hộ tên thương mại dưới cơ chế như thế nào, điều kiện bảo hộ ra sao. Do vậy, việc quy định về bảo hộ tên thương mại rất khác nhau ở các quốc gia thành viên.
Trong cuốn sách nhỏ giới thiệu về Sở hữu trí tuệ được soạn thảo và xuất bản bởi Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) mang tên “Understanding Intellectual Property”, tên thương mại được gọi bằng thuật ngữ “Commercial name” hay “trade name” và được hiểu là “the name or designation that identifies an enterprise” (tạm dịch là một cái tên dùng để nhận biết một doanh nghiệp). Cũng trong cuốn giới thiệu này, WIPO cũng đề cập đến việc tên thương mại có thể được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, như đề cập ở trên, theo Điều 8 của Công ước Paris thì tên thương mại phải được bảo hộ mà không có nghĩa vụ đăng ký.
Việc bảo hộ nói chung có nghĩa là tên thương mại của một doanh nghiệp không thể được sử dụng bởi doanh nghiệp khác dù việc sử dụng đó với tư cách một tên thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ; và bảo hộ tên thương mại cũng có nghĩa là không có một doanh nghiệp nào khác có thể sử dụng tên tương tự với tên thương mại có khả năng gây nhầm lẫn cho công chúng.
Định nghĩa tên thương mại của Việt Nam
Khái niệm tên thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam tại Điều 4 Luật SHTT 2009 lại khá chi tiết:
Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Khu vực kinh doanh quy định tại khoản này là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.
Định nghĩa trên có ưu điểm là nêu bật được bản chất của tên thương mại, đó chính là tên gọi để phân biệt các chủ thể kinh doanh khác nhau trong cùng lĩnh vực kinh doanh và khu vực kinh doanh đồng thời bao quát được cả điều kiện bảo hộ của tên thương mại. Tuy nhiên việc đề cập đến cả định nghĩa về khu vực kinh doanh trong quy định chung này khiến cho khái niệm tên thương mại trở nên cồng kềnh.
Như vậy, tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh dùng nhận biết chính nó đối với các chủ thể kinh doanh khác, và được bảo hộ khi nó có khả năng phân biệt các chủ thể kinh doanh khác nhau trong cùng khu vực và lĩnh vực kinh doanh.
2. Điều kiện bảo hộ tên thương mại
Để được bảo hộ, tên thương mại phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:
- Có khả năng phân biệt giữa chủ thể kinh doanh mang tên đó với chủ thể kinh doanh khác;
- Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi;
- Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;
- Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng. Xem thêm:
3. Quyền của chủ sở hữu tên thương mại
- Quyền sở hữu tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tên thương mại đó tại Cục sở hữu trí tuệ.
Chủ sở hữu tên thương mại có quyền:
- Sử dụng tên thương mại vào mục đích kinh doanh;
- Thể hiện tên thương mại đó trong các giấy tờ giao dịch, hàng hóa, bao bì sản phẩm, quảng cáo;
- Chuyển giao tên thương mại cho người khác ;
- Yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm tên thương mại;
- Tên thương mại được bảo hộ cho đến khi chủ sở hữu tên thương mại còn hoạt động kinh doanh dưới tên đó.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí.