Theo số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỉ USD, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, 1.135 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt gần 11,33 tỉ USD (tăng 16,3% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, 639 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký thêm (gần 5 tỉ USD) tăng 2,3% so với cùng kỳ (đạt gần 5 tỉ USD). Nhà đầu tư nước ngoài đã góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp là 2.720 lượt, tổng giá trị xấp xỉ 2,81 tỉ USD.
Phân tích của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy vốn đầu tư điều chỉnh đã tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong 7 tháng. Tuy số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái song mức độ giảm cũng đang được cải thiện dần. Trong đó, sự suy giảm số dự án này chủ yếu tập trung vào nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD), trong khi số lượng các dự án quy mô lớn (trên 50 triệu USD) vẫn duy trì tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2021. Về địa bàn thu hút vốn FDI, Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,6 tỉ USD, trong đó có dự án điện lên tới 3,1 tỉ USD.
Đáng chú ý, trong bối cảnh nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp,
TP HCM vẫn ghi nhận kết quả tích cực trong thu hút FDI. Cụ thể, TP HCM đứng thứ 2 cả nước với tổng vốn đăng ký gần 2,2 tỉ USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư; thành phố dẫn đầu cả nước về số dự án mới khi chiếm tới 34%. Đây là tín hiệu đáng mừng khi thành phố vừa gồng mình chống dịch vừa nỗ lực phát triển kinh tế – xã hội.
Số vốn ngoại “rót” vào Bình Dương đứng thứ 3 với gần 1,7 tỉ USD, tiếp theo lần lượt là Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội.
Đồng Nai cũng là một trong những điểm sáng trên cả nước về thu hút FDI dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở đây. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, vốn FDI đổ vào tỉnh gần 946 triệu USD, đạt hơn 135% kế hoạch năm.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, cho biết thu hút vốn FDI của thành phố cảng đạt trên 1,4 tỉ USD, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2020. Cũng theo ông Kiên, trong bối cảnh dịch bệnh, công tác xúc tiến đầu tư được triển khai linh hoạt, đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động. Cụ thể, ban quản lý đã tiếp xúc, làm việc với trên 60 lượt nhà đầu tư thông qua nhiều hình thức như trực tiếp, trực tuyến để quảng bá, thu hút đầu tư vào Hải Phòng.
Kiểm soát dịch bệnh, duy trì đà thu hút vốn
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, đánh giá dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, song bức tranh nền kinh tế vẫn cho thấy điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư FDI. Những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, các bộ – ngành, địa phương đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư khi chọn Việt Nam là điểm đến. Bên cạnh những ưu tiên cho công tác chống dịch, Việt Nam vẫn duy trì các hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư để thực hiện mục tiêu kép.
Để duy trì đà thu hút vốn FDI trong thời gian tới, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng trước mắt cần sớm kiểm soát dịch bệnh, sẵn sàng cho các hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai các biện pháp phòng chống dịch, cần có sự thống nhất, linh hoạt để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất – kinh doanh, lưu thông hàng hóa. Về lâu dài, dịch Covid-19 trên toàn cầu khiến nhiều quốc gia thay đổi chiến lược thu hút vốn FDI và Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc. Bên cạnh các giải pháp đã thực hiện trong thời gian qua như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, sẵn sàng hạ tầng, có cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư, Việt Nam cần xác định những nhóm ngành, lĩnh vực có xu hướng dịch chuyển đầu tư mà chúng ta có lợi thế để bắt kịp dòng chảy đó.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng cần sớm kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19. Bên cạnh đó, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng do thực hiện giãn cách để các DN tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh nhiệm vụ cấp bách kiểm soát dịch, chúng ta cần chủ động chuẩn bị các giải pháp phục hồi sản xuất – kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài bằng các chương trình xúc tiến đầu tư.
Theo báo cáo điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 8-2021 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam có sự vững vàng so với các quốc gia khác trên thế giới. Điều đó cho thấy niềm tin vào tiềm năng kinh tế của Việt Nam và nước ta là một điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư. Hiện Việt Nam đang phải tập trung chống dịch Covid-19, các nhà đầu tư vẫn có niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam và kỳ vọng sẽ phục hồi tốt trong thời gian tới. WB cũng khuyến nghị thách thức của Việt Nam trong thời gian tới là phải nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh để giữ chân các nhà đầu tư, cũng như nâng cao năng lực DN trong nước để cùng tham gia chuỗi giá trị với DN FDI.
Mọi thắc mắc về thủ tục đầu tư nước ngoài xin vui lòng liên hệ tư vấn Blue để được biết thêm chi tiết.