Khu vực FDI đã đóng góp quan trọng vào thực hiện các mục tiêu của ba chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam 1991 – 2020, cần được nâng cấp về chất lượng và hiệu quả kinh tế- xã hội để đáp ứng đòi hỏi của giai đoạn phát triển mới 2021 – 2030 theo hướng xây dựng kinh tế số, Chính phủ số và xã hội số, xích gần và đuổi kịp trình độ phát triển của các nước tiền tiến trong ASEAN
FDI giai đoạn 2021 – 2025
Xây dựng nền kinh tế số, doanh nghiệp số và xã hội số đòi hỏi phải đổi mới tư duy và hành động để thu hút FDI theo hướng chọn lọc có căn cứ khoa học hơn, không những coi trọng quy mô, mà quan trọng hơn là chất lượng và hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án FDI để góp phần thực hiện định hướng mới về thu hút FDI đã đề ra tại Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Cần lưu ý các 5 vấn đề chủ yếu:
1. Nâng cao chất lượng và thực hiện quy hoạch
Quy hoạch phát triển ngành, địa phương và vùng lãnh thổ đã và đang được triển khai theo Luật Quy hoạch mới. Tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về kinh tế số và chính phủ số chưa được thể hiện trong từng bản quy hoạch là nhược điểm lớn do một số ngành, địa phương không đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu; vẩn tiếp tục diễn ra kiến nghị xây dựng cảng hàng không, cảng biển tại một số tỉnh trong khi các địa phương láng giềng đã có sẵn; tiếp tục phát triển điện than trong khi phải nhập khẩu hàng chục triệu tấn than, đầu tư vào năng lượng tái tạo đang gia tăng nhanh chóng; đã có công suất khoảng 100 triệu tấn xi măng nhưng vẫn muốn tăng thêm; sản xuất sắt thép chất lượng thấp đang dư thừa vẩn muốn cấp phép dự án quy mô hàng chục triệu tấn…
Phải thẩm định lại các quy hoạch đã được xây dựng bằng các tổ chức xã hội độc lập tập hợp được các chuyên gia kinh tế, công nghệ để loại bỏ những nội dung trái với định hướng phát triển trong giai đoạn mới; trên cơ sở đó kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch nghiêm chỉnh, không để từng ngành, địa phương vi phạm lợi ích chung của đất nước.
Trên cơ sở quy hoạch và định hướng mới thu hút FDI, các ngành, tỉnh và thành phố phát huy lợi thế sự khác biệt của từng địa phương để xây dựng kế hoạch thu hút FDI cho kế hoạch 5 năm 2021 – 2025; điều chỉnh các KKT, KCN theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế – xã hội, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, coi trọng hơn xây dựng một số khu chuyên biệt (cluster) và KCN sinh thái.
2. Xây dựng định mức, tiêu chuẩn quốc gia
Một trong những nguyên nhân của tình trang tùy tiện, dễ dãi trong việc chấp nhận khá nhiều dự án FDI quy mô nhỏ, không đưa lại hiệu quả cho địa phương về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, việc làm và thu nhập của người lao động là thiếu các định mức, tiêu chuẩn quốc gia để chỉ đạo các địa phương thực hiện, nhất là từ khi phân cấp quản lý FDI cho các UBND tỉnh, thành phố năm 2006.
Tình trạng khá nhiều KCN, KKT sử dụng đất khá lãng phí, một số địa phương cấp đất quá lớn cho dự án FDI mà không tính đến thực trạng nước ta “đất hẹp, người đông”, cần phải quan tâm đên lợi ích của các thế hệ sau; tiêu chuẩn khi thải, chất thải rắn, môi trường, cháy nổ cần được bổ sung, hoàn chính và công khai minh bạch với doanh nghiệp, chủ đầu tư và người dân.
Xây dựng định mức, tiêu chuẩn quốc gia cho từng loại dự án FDI cần được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021 để làm căn cứ thẩm định và cấp Giấy đăng ký đầu tư, cũng như kiểm tra, thanh tra của các bộ, ngành đối với địa phương, KKT, KCN; xử lý nhanh và có kết quả mọi vi phạm.
3. Hướng vào các tập đoàn xuyên quốc gia (TNC)
Nhược điểm lớn nhất về đối tác đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là Mỹ và EU chưa đạt 10% trong 234 tỷ USD vốn FDI thực hiện. Định hướng FDI mới không những hướng về công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại, nghiên cứu & phát triển, đào tạo nhân lực chất lượng cao, mà còn nâng cấp hạ tầng kỹ thuật – xã hội để Việt Nam, nhất là Hà Nội và TPHCM là địa điểm đặt đại bản doanh của một số tập đoàn trong 500 TNCs đứng đầu thế giới.
EVFTA và EVIPA đã tạo ra tiền đề để gia tăng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với EU, trong đó xuất khẩu của EU vào Việt Nam hàng hóa tiêu dùng, máy móc, thiết bị công nghệ cao dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ cao; tạo điều kiện để nhà đầu tư EU triển khai nhiều dự án FDI theo định hướng mới tại Việt Nam nhằm tận dụng ưu đãi từ hai hiệp định này trong điều kiện Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến hấp dẫn.
Việt Nam và Mỹ vừa ký niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với Mỹ tăng lên nhanh chóng, Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Lãnh đạo hai nước nhất trí nâng tầm quan hệ đối tác song phương phù hợp với bối cảnh thế giới và lợi ích của mỗi quốc gia. Các doanh nghiệp Mỹ, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Intel, Microsoft, Apple đang chuẩn bị thực hiện nhiều dự án quy mô lớn tại Việt Nam.
Xu hướng chuyển dịch một số nhà máy FDI từ Trung Quốc về nước, hoặc sang nước thứ ba đang diễn ra; Việt Nam cần tận dụng cơ hội mới để đón nhận các doanh nghiệp EU và Mỹ.
Làm gì để khắc phục nhược điểm đó là vấn đề cần được các bộ, ngành và địa phương quan tâm khắc phục trong thời gian sắp đến.
4. Nâng cấp đội ngũ công chức
Quản lý nhà nước đối với khu vực FDI cần được cải tiến theo hướng Chính phủ số.
Năm 2014, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) lần đầu tiên đưa ra khuyến nghị về các chiến lược Chính phủ số, đó là việc sử dụng các công nghệ số như một phần thiết yếu trong các chiến lược hiện đại hóa Chính phủ để tạo ra các giá trị công. Quá trình này dựa trên một hệ sinh thái Chính phủ số bao gồm các tác nhân liên quan đến Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân, thúc đẩy sự tạo ra và truy cập dữ liệu, dịch vụ và nội dung thông qua sự tương tác với Chính phủ.
Mục tiêu của Chính phủ số đến năm 2025 cần được các bộ, ngành, chính quyền địa phương và Ban Quản lý KKT, KCN thực hiện nghiêm chỉnh đối với khu vực FDI để bảo đảm công khai minh bạch của thể chế và thực hiện nghiêm chính sách và luật pháp.
Đội ngũ công chức nhà nước là người thiết kế và thực hiện Chính phủ số, là chìa khóa thành công của Chính phủ số, do đó cần được tuyển dụng nghiêm túc để đạt được các tiêu chí cao về đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và khát vọng sáng tạo, được bồi dưỡng thường xuyên kiến thức mới về Kinh tế số, Xã hội số và Chính phủ số để nâng cao năng lực lựa chọn nhà đầu tư và dự án FDI theo định hướng mới, bảo đảm nước ta có nền công vụ luôn lấy chất lượng phục vụ, hiệu quả, hiệu lực cao làm tiêu chuẩn và luôn cải tiến.
5. Hoàn thiện thể chế
Các FTA mới đang đòi hỏi Nhà nước phải nhanh chóng hoàn thiện thể chế, luật pháp không những để khắc phục các khiếm khuyết đã được phát hiện như thiếu tính hệ thống, nội dụng một số điều luật xung khắc với nhau, luật chờ nghị định, thông tư nên chậm được thi hành, mà còn phải cập nhập những cam kết quốc tế về mở cửa thị trường, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, lao động không cưỡng bức, tổ chức công đoàn độc lập…
Chính sách ưu đãi đầu tư cũng cần được sửa đổi, bổ sung để thích ững với định hướng FDI mới, đòi hỏi của TNCs và cuộc cạnh tranh trong khu vực, nhất là một số quốc gia có lợi thế lớn. Ưu đãi thuế, giá thuê đất, chi phí nguyên liệu, nhân công cần được điều chỉnh theo hướng áp dụng chủ yếu đối với các địa phương có trình độ phát triển thấp, cần thu hút dự án thâm dụng lao động và tài nguyên.
Đối với các đô thị và địa phương đã phát triển đang cần thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại thì cần đáp ứng yêu cầu của TNCs về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện, đồng thời quan tâm đến quy định ưu đãi về tài chính như kinh nghiệm thành công của nước ta khi đạt được thỏa thuận với Intel thực hiện dự án tại TP. HCM.
Hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi đang đặt ra vấn đề chạy đua với thời gian nhưng lại bảo đảm chất lượng, do đó cần cải cách phương thức xây dựng luật pháp theo hướng, từ kiến nghị của các bộ, ngành với Chính phủ và Quốc hội về những luật cần sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới trong năm 2021, các Ủy ban của Quốc hội lựa chọn và mời một số chuyên gia đang làm việc, đã nghỉ hưu có kiến thực, kinh nghiệm để thành lập các tổ công tác có nhiệm vụ thực hiện việc rà soát, phát hiện vấn đề, soạn thảo dự án luật trình Chính phủ và Quốc hội xem xét, thông qua.
Với cách làm mới này vừa tận dụng được năng lực trí tuệ của nhiều chuyên gia, vừa giảm bớt gánh nặng cho bộ máy nhà nước vốn đã quá tải đối với sự vụ hàng ngày, bảo đảm hoàn thiện có chất lượng thể chế, chính sách, pháp luật với thời gian ngắn nhất.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí.