Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang dần hồi phục và duy trì tốt hoạt động sản xuất – kinh doanh và mở rộng dự án.
Triển vọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam năm 2021 là rất sáng sủa trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lớn, vừa và nhỏ từ các quốc gia phát triển dần chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam.
Những dự án FDI, tận dụng các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, cũng sẽ tiếp tục vào Việt Nam trong thời gian tới. Để đón đầu làn sóng này, Chính phủ Việt Nam có nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt, nhằm khuyến khích thực hiện một số dự án đầu tư có tác động lớn đến kinh tế – xã hội.
Tính đến ngày 20/12/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019. Đây là thực trạng chung trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù vậy, thông tin các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư mới hay tăng nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn liên tục được cập nhật.
Từ triển vọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2021
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang dần hồi phục và duy trì tốt hoạt động sản xuất – kinh doanh và mở rộng dự án. Quan trọng hơn, hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đã có gần 300 doanh nghiệp từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư/ đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiều đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới/mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Trong xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, được các nhà đầu tư quan tâm vì sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực…Cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế trong cả nước tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp. Thủ tướng cũng đã phê duyệt 19 khu kinh tế ven biển, tổng diện tích khoảng 871 nghìn ha. Ngoài ra, việc đạt tăng trưởng dương trong năm 2020, bất chấp tác động đáng kể của COVID-19 đến các hoạt động kinh tế, cũng khiến Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á.
Thông qua một số cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến với các đối tác khu vực châu Á (Nhật Bản, Singapore) hay châu Âu (Pháp) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức gần đây, có rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến việc đầu tư tại Việt Nam. Đã có nhiều tập đoàn lớn như Apple, Foxconn, Luxshare… triển khai kế hoạch gia tăng đặt hàng các nhà cung ứng ở Việt Nam cũng như gia tăng hoạt động đầu tư tại Việt Nam với số vốn đầu tư lên tới tỷ USD.
Đến những chính sách đặc thù
Cùng với những tín hiệu thuận lợi trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ngay từ đầu năm 2021, Luật đầu tư sửa đổi (2020) chính thức có hiệu lực. Luật đã bổ sung quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ áp dụng ưu đãi đặc biệt để tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, kịp thời thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay.
Theo đó, cho phép áp dụng ưu đãi tối đa thêm 50% so với mức cao nhất theo quy định của Luật hiện hành. Luật cũng sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng như hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành; áp dụng ưu đãi có thời hạn, theo kết quả thực hiện dự án….
Định hướng đặt ra rõ ràng, cơ hội đón làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là rất lớn cùng với đó là chính sách ưu đãi đặc thù, Việt Nam sẽ nỗ lực tận dụng lợi thế này để đón được dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, đóng góp quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí.